Bất động sản TPHCM hút khách ngoại
Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có một lượng tiền nhất định của người nước ngoài và Việt kiều đổ vào thị trường BĐS, đặc biệt đối với thị trường TP.HCM.
Người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm ăn thường có nhu cầu nhà ở vừa kết hợp làm văn phòng, vừa chỗ ở, thuận tiện giao thông, an ninh, môi trường tốt. Còn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều trường hợp sau khi bôn ba làm ăn khắp chốn, họ muốn quay về quê hương mua nhà và sinh sống. Đây là một lượng khách khá dồi dào cho thị trường BĐS đã đóng băng trong một thời gian dài.
Bà Huỳnh Jeanne một việt kiều Pháp mới mua một căn hộ chung cư tại TP.HCM cho biết, những người xa quê như bà rất muốn trở về Việt Nam để đưa con cháu trở về với cội nguồn.
Bà Huỳnh chia sẻ, có rất nhiều Việt kiều xa quê lâu năm như bà, nay muốn trở về nước. Trong số bạn bè của bà có đến 50% có ý định đó.
Theo thống kê, hiện có khoảng 100.000 kiều bào mong muốn mua và sở hữu nhà ở trong nước.
TP.HCM là một thành phố thu hút nhiều người nước ngoài và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về làm việc, định cư. Tuy nhiên, số lượng người được sở hữu căn nhà ở Việt Nam cũng không nhiều.
Qua khảo sát của công ty nghiên cứu và tư vấn BĐS Savills Việt nam, nhiều người nước ngoài và người Việt nam đang sinh sống ở nước ngoài cho rằng, chính sách để họ được đứng tên sở hữu một căn nhà còn rất hạn chế; đây cũng chính là rào cản để họ tiếp cận được sản phẩm nhà ở tại Việt Nam.
Ông Trương An Dương – trưởng bộ phận nghiên cứu công ty Savills tại TP.HCM cho biết, có một số vấn đề đặc biệt là vấn đề quyền sở hữu BĐS VN đối với người nước ngoài cũng như đối với Việt kiều hiện nay cũng còn khá nhiều khó khăn để họ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, khi mua nhà ở Việt Nam, họ cũng chỉ được sở hữu 50 năm. Chính vì vậy, vẫn còn những rào cản cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà.
Cũng theo ông Dương, nhu cầu của người nước ngoài không thực sự lớn lắm, chủ yếu là nhu cầu của Việt kiều. Đây là một tiềm năng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam. Ông Dương cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể có những chính sách tốt hơn, ưu đãi hơn để khai thác được nguồn cầu này, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Luật nhà ở Việt Nam đã mở rộng cho 4 đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có cơ hội được sở hữu nhà trong nước như: người về đầu tư lâu dài; người có công với đất nước; các nhà văn hóa, nhà khoa học, chuyên gia về hoạt động thường xuyên và những người được phép hồi hương. Bên cạnh đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về nước cư trú với thời hạn từ 6 tháng trở lên cũng được sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ. Theo thống kê, hiện có khoảng 100.000 kiều bào mong muốn mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục để người Việt Nam ở nước ngoài có nơi cư trú ổn định khi về nước để sinh sống, làm việc, và đầu tư.